Con Rồng cháu Tiên Âu Cơ

Phù điêu "Tổ mẫu Âu Cơ", tại Đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Trong các truyền thuyết phổ cập ở văn hóa Việt Nam hiện đại, Âu Cơ là một nàng tiên xinh đẹp sống ở trên những ngọn núi cao. Và việc bà kết hôn với Lạc Long quân là giống rồng, sinh ra 100 người con đã biến dân Việt thành Con Rồng cháu Tiên.

Theo truyền thuyết phổ biến nhất, Âu Cơ là một tiên nữ, con gái một vị thần núi nào đó mà không phải là Đế Lai của Thần Nông Thị. Nàng đi khắp bốn phương để giúp đỡ và chữa trị cho những người đang lâm bệnh và gặp khó khăn. Nàng có lòng từ bi và có tài về y thuật. Một ngày nọ, một con quái vật làm nàng sợ hãi. Nàng liền biến thành một phượng hoàng mà bay đi. Lạc Long Quân, là thần rồng từ biển cả, thấy nàng đang gặp nguy hiểm liền cầm lấy cục đá và giết tên quái vật. Sau đó tình yêu đã nảy nở giữa hai người và họ cưới nhau. Âu Cơ sinh ra một bọc trứng có 100 người con. Một ngày nọ, Lạc Long Quân nói với nàng rằng vì hai người đến từ hai chủng tộc và môi trường rất khác nhau nên không thể chung sống với nhau trọn đời được. Họ bèn chia nhau mỗi người 50 đứa con, 50 theo mẹ, 50 theo bố. 50 người con theo mẹ đi đến ở Phong Châu, người anh cả trở thành vua Hùng Vương của nước Văn Lang.[8]

Chúng ta có thể thấy rõ vấn đề, đến truyền thuyết truyền miệng phổ thông, Âu Cơ từ người thường đã trở thành tiên.

Tuy nhiên, về mặt ghi chép văn bản, xuất thân của Âu Cơ gần như thống nhất những ghi chép có từ Lĩnh Nam chích quái. Ngay cả sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, một cuốn tổng hợp sử và truyền thuyết soạn vào đầu thế kỉ 20, cũng không hề ghi nhận về xuất thân "nàng tiên" này của Âu Cơ. Như vậy, việc Âu Cơ là tiên có lẽ chỉ tồn tại những thập kỉ rất gần đây, nhưng không thể xác định cụ thể, những cuốn sách của các học giả nước ngoài cũng có niên đại khá gần và đã chịu nhiều những biến đổi về nhận thức của người Việt Nam hiện đại.